Mycoplasma hyopneumoniae: sự phân bố và các biện pháp kiểm soát

Các biện pháp kiểm soát Mycoplasma hyopneumoniae nên tập trung vào việc tối ưu hóa các phương pháp quản lý trong trại, và khi cần thiết, nên sử dụng thêm kháng sinh và/hoặc tiến hành chương trình tiêm phòng, theo Dominiek Maes.

 

.

 

-->Giới thiệu

-->Sự phân bố các chủng M. hyopneumoniae

-->Khả năng gây bệnh, dấu hiệu lâm sàng và chẩn đoán bệnh do M. hyopneumoniae

-->Kiểm soát M. hyopneumoniae

-->Kết luận

 

.

 

MYCOPLASMA HYOPNEUMONIAE: SỰ PHÂN BỐ VÀ CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT

(Mycoplasma hyopneumoniae: strain diversity and control measures)

Tác giả: Giáo sư Dominiek Maes, DVM, MS, MSc, PhD, Dipl. ECPHM, Dipl. ECVPH, Bộ môn Quản lí Thú y trên Heo, Khoa Thú y, Đại học Ghent, Bỉ

 

……….

 

GIỚI THIỆU

Bệnh Viêm phổi Địa phương (Enzootic Pneumonia: EP), hay còn gọi là Suyễn Heo, chủ yếu do Mycoplasma hyopneumoniae (M. hyopneumoniae)gây ra. Đây là bệnh hô hấp mãn tính, gây nhiều thiệt hại cho nền chăn nuôi heo trên toàn thế giới. Bài viết dưới đây sẽ thảo luận mối quan hệ giữa sự phân bố các chủng M. hyopneumoniae với khả năng gây bệnh và biểu hiện bệnh, đồng thời sẽ đưa ra vài biện pháp hữu hiệu để kiểm soát bệnh.

^ Đầu trang

.

SỰ PHÂN BỐ CÁC CHỦNG M. HYOPNEUMONIAE

M. hyopneumoiae thuộc lớp Mollicutes, có một bộ gen đơn bội đơn giản, rất nhỏ và được xếp vào nhóm vi khuẩn tự nhân đôi nhỏ nhất (0.2 µm) được biết đến hiện nay. Trái ngược hẳn với các vi khuẩn tiền nhân khác, M. hyopneumoiae không có thành tế bào, do đó, chúng vô cùng nhạy cảm với điều kiện môi trường. Ở bên ngoài cơ thể vật chủ, M. hyopneumoniae không thể sống sót trong khoảng thời gian dài, nhưng trong các hạt khí dung trong không khí, thời gian sống sót của chúng sẽ tăng lên và khi ở trong môi trường nước 2-7oC, chúng vẫn duy trì được khả năng gây bệnh đến 31 ngày.

Trong môi trường thí nghiệm, vi khuẩn này tăng trưởng chậm và khó nuôi cấy vì thế rất khó phân lập chúng. Do đó, phương pháp phân lập không được sử dụng trong các chẩn đoán thông thường. Chủng J được phân lập lần đầu tiên vào năm 1973, đã trở thành chủng được sử dụng nhiều nhất trong phòng thí nghiệm và được xem là chủng tham chiếu cho M. hyopneumoniae.

M. hyopneumoiae có thể sống trong cơ thể vật chủ là nhờ vào sự biểu lộ của các protein bề mặt. Vi khuẩn này có thể sản xuất các chất như adhesin, modulin, aggressin và impedin nhằm giúp chúng bám vào và làm biến đổi hệ miễn dịch của vật chủ. Khi nghiên cứu bằng các kĩ thuật phân tử, kết quả cho thấy: M. hyopneumoniae có một quần thể lớn với bộ gen và số lượng protein khác nhau. Ngoài ra, các chủng M.hyopneumoniae khác nhau sẽ có độc lực khác nhau. Các chủng độc lực thấp, trung bình và cao được xác định dựa vào phương pháp chấm điểm bệnh hô hấp, chấm điểm bệnh tích phổi, mô bệnh học, miễn dịch huỳnh quang và huyết thanh học. Phương pháp phân tích MLVA–typing cũng được dùng để nghiên cứu sự phân bố các chủng trong đàn heo. Các nghiên cứu đã cho thấy: sự phân bố và khả năng tồn tại dai dẳng của các chủng M. hyopneumoniae rất khác nhau giữa các đàn heo và một con có thể bị nhiễm nhiều chủng cùng một lúc. Trong một số đàn, chỉ có một chủng gây bệnh, trong khi đó ở một số đàn khác, có thể tìm thấy nhiều chủng cùng gây bệnh.

Gần đây, các nghiên cứu của chúng tôi tại trại nuôi đều thấy rằng: vi khuẩn có thể tồn tại trong cơ thể heo ít nhất 12 tuần, cho đến khi heo xuất chuồng. Điều này cho thấy, sau khi bị nhiễm bệnh, hệ miễn dịch của heo không thể loại bỏ nhanh chóng mầm bệnh trong đường hô hấp. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, heo đã bị nhiễm chủng M. hyopneumoniae độc lực thấp thì 4 tuần sau đó, các heo này cũng không được bảo hộ trước sự xâm nhiễm kế phát với chủng độc lực cao và thậm chí các dấu hiệu bệnh còn phát triển trầm trọng hơn. Do đó, viêm nhiễm thứ phát với chủng M. hyopneumoniae khác với chủng gây bệnh trước đó có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng nề hơn trong đàn heo. Các nghiên cứu sau này càng chứng thực tầm quan trọng của sự phân bố chủng đối với biểu hiện lâm sàng của bệnh.

^ Đầu trang

.

KHẢ NĂNG GÂY BỆNH, DẤU HIỆU LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH DO M. HYOPNEUMONIAE

Vi khuẩn được tìm thấy chủ yếu trên bề mặt màng nhầy của khí quản, phế quản và phế nang. Dấu hiệu ban đầu của sự nhiễm bệnh chính là M. hyopneumoniae bám trên biểu mô nhung mao. Zhang và cộng sự (1995) đã xác định protein P97 của vi khuẩn là yếu tố bám dính vào vi nhung mao. Các yếu tố bám dính khác có thể kể đến gồm: glycoprotein 110kDa, protein P159 được tách sau khi đồng hoán với các protein kDa 27, 51, và 110 và một protein 146kDa. M.hyopneumoniae tác động lên hệ thống làm sạch trên màng nhầy bằng cách phá vỡ hệ thống nhung mao trên bề mặt biểu mô, và làm biến đổi hệ miễn dịch trên đường hô hấp.

Vì thế, M. hyopneumoniae khiến cho thú dễ bị nhiễm các bệnh hô hấp khác như các vi khuẩn, kí sinh trùng và vi rút. Protein màng 54 kDa của M. hyopneumoniae có khả năng phá hủy tế bào trong dãy nguyên bào sợi trên phổi người. Tế bào biểu mô cũng có thể bị tổn thương do các chất sinh ra từ sự chuyển hóa của Mycoplasma, như các gốc peroxide hydrogen và superoxide.

Trong điều kiện thí nghiệm, các dấu hiệu lâm sàng điển hình như ho mãn tính, ho khan xuất hiện vào thời điểm 10-16 ngày sau khi heo bị nhiễm. Diễn tiến lâm sàng của bệnh trong trại nuôi có thể rất khác nhau giữa các đàn tùy vào chương trình quản lí, viêm nhiễm thứ phát và điều kiện môi trường. Ngoài ra, triệu chứng lâm sàng còn được quyết định bởi độc lực của các chủng M. hyopneumoniae, và vì thế, kiểm soát căn bệnh trở nên khó khăn hơn.

Bệnh tích đại thể, gồm những vùng phổi bị nhục hóa có màu từ đỏ đến xám, thường xuất hiện ở cả 2 bên phổi tại thùy đỉnh, thùy giữa, thùy tim và phần rìa phía trên của thùy hoành cách mô. Bệnh tích cũ hay các sẹo sẽ xuất hiện giữa các thùy phổi. Trong trường hợp chỉ bị nhiễm M. hyopneumoniae,bệnh tích đại thể sẽ được phục hồi trong vòng 12 - 14 tuần sau khi bị nhiễm. Triệu chứng lâm sàng và bệnh tích có thể dùng để chẩn đoán định hướng ban đầu, nhưng để kết luận thì cần phải thực hiện các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm. Vi khuẩn có thể được xác định dựa vào xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang, nhưng xét nghiệm này có độ nhạy không cao. Huyết thanh học có thể được sử dụng để cho biết sự hiện diện của vi khuẩn trong một đàn, nhưng không phù hợp để chẩn đoán cho từng cá thể. Hiện nay, xét nghiệm PCR được xem là phương pháp nhạy nhất để xác định sự nhiễm bệnh.

^ Đầu trang

.

KIỂM SOÁT M. HYOPNEUMONIAE

Tối ưu hóa các phương pháp quản lý và điều kiện chăn nuôi chính là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát M. hyopneumoniae. Tăng cường công tác quản lí sẽ làm giảm khả năng lây lan M. hyopneumoniae và kiểm soát được các tổn thương phổi do các căn bệnh khác. Nhờ thế, sẽ cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát bệnh viêm phổi địa phương.

Để kiểm soát và điều trị bệnh hô hấp trên heo, bao gồm cả M. hyopneumoniae, các trại thường sử dụng nhiều nhất các nhóm kháng sinh tetracyclines và macrolides. Ngoài ra, để phòng trị M.hyopneumoniae, có thể sử dụng các kháng sinh khác như lincosamides, pleuromutilins, fluoroquinolones, florfenicol, aminoglycosides và aminocyclitols; trong đó, fluoroquinolones và aminoglycosides có khả năng diệt Mycoplasma.Vì không có thành tế bào, vi khuẩn không mẫn cảm với kháng sinh nhóm β-lactam như penicillins và cephalosporins. Vài báo cáo đã xác định sự đề kháng của M. hyopneumoniae đối với tetracyclines, gần đây cũng ghi nhận ở cả macrolides, lincosamides và fluoroquinolones.

Việc điều trị bằng kháng sinh thường có hiệu quả làm giảm bệnh tích phổi và dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên, triệu chứng có thể xuất hiện lại sau khi ngừng sử dụng. Kháng sinh thường được dùng trong thời gian ngắn, tại các thời điểm tăng trưởng nhất định của heo. Sử dụng liên tục kháng sinh không được khuyến nghị vì làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong quày thịt. Đối với trại bị nhiễm bệnh, chương trình kháng sinh cũng được áp dụng trên đàn sinh sản với mục đích làm giảm nhiễm khuẩn từ đàn nái đến đàn hậu bị vừa nhập vào. Gần đây, nhiều trại sử dụng kháng sinh cho đàn cai sữa để làm giảm số lượng M. hyopneumoniae trong đường hô hấp, tuy nhiên biện pháp này cần được xem xét thêm.

Các vắc xin trên thị trường, gồm vắc-xin bất hoạt, nguyên tế bào kết hợp tá dược, được áp dụng trên toàn thế giới. Lợi thế chính của chương trình tiêm phòng chính là làm giảm thất thoát tăng trọng ngày (2-8%), giảm tiêu tốn thức ăn (2-5%) và có thể làm giảm tỉ lệ chết. Ngoài ra, tiêm phòng cũng giúp heo có thời gian xuất chuồng ngắn hơn, giảm dấu hiệu lâm sàng, giảm bệnh tích phổi và chi phí điều trị thấp hơn. Mặc dù, vắc-xin không hoàn toàn bảo vệ heo chống lại các biểu hiện viêm phổi lâm sàng và không ngăn cản được việc vi khuẩn bám lên thành của đường hô hấp, nhưng các nghiên cứu đều cho thấy các vắc xin đang sử dụng hiện nay giúp làm giảm số lượng vi khuẩn trong đường hô hấp và giảm mức độ nhiễm bệnh trong đàn.

Các quy trình tiêm phòng được áp dụng thay đổi tùy theo từng đàn heo, kiểu sản xuất và cách quản lí trong trại, tình hình nhiễm bệnh và mức độ hiểu biết của người chăn nuôi. Ngoài ra, trong điều kiện thực tế tại trại, chương trình tiêm phòng tốt nhất nên xác định được ngày thích hợp thực hiện để tạo sự miễn dịch cần thiết trước khi heo bị phơi nhiễm với bệnh. Do M. hyopneumoniae có thể nhiễm vào tuần tuổi đầu tiên nên việc tiêm phòng cho heo con thường được áp dụng nhiều nhất.

Tiêm phòng cho heo con bú mẹ (tiêm sớm, < 4 tuần tuổi) thường được áp dụng tại trại nuôi chung tất cả các giai đoạn tuổi, trong khi tiêm phòng cho heo cai sữa / giai đoạn đầu nuôi thịt (tiêm trễ, từ 4 đến 10 tuần) thường được áp dụng tại trại nuôi riêng biệt nái - cai sữa - thịt. Trước đây, trại thường áp dụng tiêm hai mũi. Nhưng trong những năm vừa qua, tiêm phòng một mũi cho thấy hiệu quả tương đương với tiêm hai mũi. Vì thế, chương trình tiêm phòng một mũi trở nên phổ biến vì nó giúp giảm chi phí lao động và có thể được áp dụng dễ dàng hơn trong quy trình quản lí hàng ngày tại trại.

Lợi ích của việc tiêm phòng cho heo con theo mẹ là miễn dịch có thể được tăng cao trước khi heo bị nhiễm bệnh, và tác nhân gây bệnh hiện diện ít vào giai đoạn này nên đáp ứng miễn dịch sẽ dễ dàng hơn. Tiêm phòng vào giai đoạn heo cai sữa tuy không bị kháng thể mẹ truyền ảnh hưởng, nhưng  heo cai sữa lại có thể đã bị nhiễm M. hyopneumoniae. Ngoài ra, nhiều bệnh khác như PRRS hay PCV2 chủ yếu xảy ra sau khi cai sữa và có thể tác động đến tình trạng sức khỏe của heo, và ngăn cản đáp ứng miễn dịch khi thực hiện tiêm phòng. Chỉ có một ít nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc tiêm phòng cho nái mang thai. Việc tiêm phòng cho hậu bị được khuyến cáo áp dụng cho trại đã bị nhiễm bệnh nhằm tránh việc làm mất ổn định sự miễn dịch trên đàn nái, đặc biệt trong trường hợp hậu bị được mua từ trại không bị nhiễm M. hyopneumoniae.

Mặc dù tiêm phòng đem lại nhiều lợi ích trên đàn bị nhiễm, nhưng hiệu quả lại thay đổi tùy theo đàn. Nguyên nhân có thể kể đến như: điều kiện bảo quản vắc xin và kĩ thuật tiêm phòng, sự bất đồng kháng nguyên giữa chủng trong vắc-xin và chủng đang thực sự gây ra bệnh trong trại, các bệnh đang hiện diện tại thời điểm tiêm phòng, và tương tác giữa vắc xin với kháng thể mẹ truyền qua sữa đầu.

^ Đầu trang

.

KẾT LUẬN

M. hyopneumoniae gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho ngành chăn nuôi heo trên toàn thế giới. Các chủng M. hyopneumoniae khác nhau có sự khác biệt lớn về bộ gen, hàm lượng protein, và độc lực. Bệnh làm tổn thương đường hô hấp, tác động vào hệ miễn dịch và làm cho heo trở nên mẫn cảm hơn với các bệnh hô hấp khác. Các biện pháp kiểm soát phải tập trung trong việc tối ưu hóa cách quản lí và điều kiện chăn nuôi, và khi cần thiết, có thể sử dụng kháng sinh và/hoặc áp dụng biện pháp tiêm phòng.

^ Đầu trang

.

Bài báo này được đăng trên tạp chí “Asian Pork”, tháng Ba năm 2013©Copyright 2013, All Rights Reserved.

.

<< Trở lại trang Bệnh Viêm phổi địa phương trên heo

<< Trở lại trang Các bệnh thường gặp

Đầu trang