C.H.I.C.K. Program Online - Số 20

Vài khái niệm cơ bản về tiêm trứng (in-ovo) trong trại ấp

 

 

...

 

-->Giới thiệu

-->Lịch sử Kỹ thuật Tiêm trứng (In-Ovo)

-->Sự Phát triển của Phôi

-->Vị trí Tiêm

-->Đáp ứng Miễn dịch

-->Một số Ưu điểm Từ Tiêm trứng (In-Ovo)

-->Kết luận

 

...

 

 

VÀI KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ TIÊM TRỨNG (IN-OVO) TRONG TRẠI ẤP

(Basic Aspects of In-Ovo Injection in Commercial Hatcheries)

Tác giả: Fabio Moreira de Souza– Quản lý Kỹ thuật Thiết bị trong mảng Gia cầm
Ceva Santé Animale – Libourne, Pháp

.

Giới thiệu

Mặc dù tiêm trứng (in-ovo) đã được áp dụng rộng rãi hơn 20 năm qua ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, nhưng vẫn có khá nhiều thắc mắc xoay quanh kỹ thuật tiêm phòng này.

Hình 1 Kỹ thuật tiêm phòng bằng đường tiêm trứng (in-ovo)

 

Để có được kết quả tiêm trứng (in-ovo) tốt nhất, không những chỉ cần thiết bị tốt, mà còn phải hiểu được mối tương quan giữa chất lượng gà con và kỹ thuật tiêm trứng. Từ đó, sẽ biết được tác nhân nào có ảnh hưởng trực tiếp đến cách thực hiện đường tiêm trứng, và nó sẽ tác động đến kết quả bảo hộ sau khi chủng ngừa như thế nào.

Thực chất, mối tương quan giữa chất lượng gà con và kỹ thuật tiêm trứng phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như: tuổi phôi, tỉ lệ nở, vị trí tiêm, quá trình chuẩn bị khi tiêm phòng, đáp ứng miễn dịch, tình trạng vệ sinh và lau dọn trong nhà máy ấp.

Trong bài viết này, sẽ đề cập đến một số tác nhân và vài khái niệm cơ bản có liên quan đến kỹ thuật tiêm trứng (in-ovo).

^ Đầu trang

.

Lịch sử Kỹ thuật Tiêm trứng (In-Ovo)

Tiêm trứng (in-ovo) lần đầu tiên được chứng minh hiệu quả với vắc-xin Marek’s bằng các thí nghiệm được thực hiện bởi Sharma và Burmester vào năm 1982. Hai tác giả này đã chứng minh rằng: phôi gà con được chủng ngừa vắc-xin Marek’s vào ngày ấp thứ 18 sẽ có được sự bảo hộ tốt hơn khi tiến hành công cường độc với vi-rút độc lực MD vào 3 ngày tuổi, kết quả so sánh với các gà con khác được chủng ngừa sau khi nở. Tại thời điểm 7 ngày tuổi, cả hai nhóm (tiêm phòng vào ngày nở và tiêm trứng) đều có sự bảo hộ bằng nhau.

Trong thời điểm đó, kỹ thuật tiêm trứng (in-ovo) chỉ là một dạng ý tưởng mới, nhưng hiện nay, đây lại là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Ban đầu, khi còn đang nằm trong phòng nghiên cứu, kỹ thuật tiêm trứng chỉ áp dụng với vắc-xin kiểm soát bệnh Marek’s, nhưng ngày nay đã được mở rộng sang vắc-xin kiểm soát các bệnh khác và những thiết bị hỗ trợ tiêm cũng được nâng cấp lên hiệu suất 70.000 trứng mỗi giờ.

^ Đầu trang

.

Sự Phát triển của Phôi

Phải xác định được phôi đang phát triển đến giai đoạn nào để xác định thời điểm thích hợp thực hiện tiêm trứng (in-ovo) nhằm có được tỉ lệ nở và khả năng bảo hộ tốt nhất. Hơn nữa, sự phát triển của phôi cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi một số điểm trong quy trình ấp trứng.

Trước khi nghĩ đến việc tiêm trứng (in-ovo), quan trọng phải nắm được một số kiến thức cơ bản như sau: trong nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu chuyển trứng từ máy ấp sang máy nở quá sớm (khoảng ngày ấp thứ 17) thì tỉ lệ nở thường có xu hướng giảm đi khi so với trứng được chuyển muộn hơn (ngày 18 hoặc ngày 19), dù cho số trứng này có được tiến hành tiêm trứng hay không. Sự khác biệt (độ mất nước, ẩm độ, nhiệt độ và sự trao đổi khí) trong môi trường của hai máy (máy ấp, máy nở) ảnh hưởng trực tiếp đến sự khác biệt của tỉ lệ nở.

Thông thường, tỉ lệ nở sẽ được cao hơn nếu phôi được giữ trong máy ấp lâu hơn và giai đoạn chuyển trứng sang máy nở chậm hơn. Ngoài ra, tùy theo loại máy ấp sẽ làm cho mỗi trứng có giai đoạn phát triển phôi khác nhau, do: sự khác nhau của độ mất nước và nhiệt độ tiêu chuẩn. Vì thế, để xác định thời điểm tiêm trứng (in-ovo) chính xác để có được tỉ lệ nở và đáp ứng miễn dịch cao nhất thì đặc điểm sinh lý của phôi rất quan trọng, hơn là chỉ quan tâm đến số giờ trứng đã ấp.

Thời gian tối ưu để tiến hành tiêm trứng (in-ovo) thường được khuyến cáo nằm trong khoảng 17.5 và 19.2 ngày sau khi ấp (tính từ lúc bắt đầu đặt trứng vào máy ấp). Ở mức khuyến cáo thấp nhất (17.5 ngày), đây thường là giai đoạn có túi lòng đỏ bắt đầu di chuyển xuống bụng và đầu phôi được chuyển lên nằm dưới cánh phải. Ở mức khuyến cáo cao nhất (19.2 ngày), giai đoạn này thường không tốt lắm do phần trăm trứng bắt đầu xuất hiện ‘tiếng kêu píp píp’ báo hiệu sắp nở rất nhiều, khi tiến hành tiêm trứng vào lúc này sẽ làm xuất hiện nhiều vết nứt trên trứng và có thể làm vỏ trứng bị rạn nứt khi di chuyển trứng sang máy nở. Trứng nứt trên bề mặt hoặc ở đầu nhỏ thường làm cho một số bộ phận trên phôi bị kẹt vào vết nứt hay trên vỏ trứng và làm các phần này lộ ra ngoài gây khô, do đó làm giảm tỉ lệ nở. Chính vì vậy, không nên tiến hành tiêm trứng (in-ovo) khi số trứng trong máy ấp có ‘tiếng kêu píp píp’ nhiều hơn 1%.

^ Đầu trang

.

Vị trí Tiêm

Có thể xem xét đến 5 vị trí trên quả trứng trong giai đoạn ấp trứng cuối cùng: túi khí, túi niệu (đựng chất thải), túi ối, túi lòng đỏ và ngay trên cơ thể phôi.

Hình 2 Năm vị trí có thể tiêm trên trứng

 

  • Túi khí thường chứa đầy không khí bên trong.
  • Túi niệu chứa đầy dịch chất thải do phôi tiết ra bên trong trứng.
  • Túi ối được tạo nên bởi túi niệu và cơ thể phôi.
  • Cơ thể phôi nằm phía trong của túi ối.
  •  Túi lòng đỏ cũng nằm bên trong túi ối.

Bất kỳ vị trí nào trong 5 vị trí kể trên đều có thể gắm được kim tiêm trong máy hỗ trợ tiêm trứng (in-ovo). Tuy nhiên, để có được đáp ứng miễn dịch cao nhất bằng đường tiêm trứng, cần nhất phải xác định chính xác các vị trí này bên trong trứng.

Do các phôi thường được đẩy nhanh sự phát triển trong giai đoạn cuối cùng này, vì thế, khi chúng ta cân nhắc đến biện pháp tiêm trứng (in-ovo) (như khuyến cáo ở trên, nên tiêm vào giai đoạn từ 17.5 đến 19.2 ngày ấp), quan trọng nhất phải nhớ rằng: năm vị trí trên có thể thay đổi kích cỡ khá nhanh vì phôi đang sử dụng chúng. Một điều cần chú ý khác là các vị trí đặc biệt trên cũng đóng vai trò hỗ trợ khác nhau trong suốt quá trình phát triển của phôi, và khi tiêm vắc-xin và/hoặc các chất khác vào những nơi này có thể thúc đẩy hoặc hạn chế sự hấp thụ chúng trên phôi.

Vị trí của các nơi này bên trong trứng, và cụ thể hơn, vị trí của phôi phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn phôi đang phát triển đến thời điểm nào.

^ Đầu trang

.

Đáp ứng Miễn dịch

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học California tại Davis (Wakenell và cộng sự, 2002) đã tiến hành một số thí nghiệm đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch khi vắc-xin MD được đưa vào các vị trí khác nhau trên trứng (Sơ đồ 1).

 

Sơ đồ 1 Đáp ứng miễn dịch (vắc-xin MD) ở mỗi vị trí tiêm

Kết quả cho thấy khi đưa vắc-xin MD vào túi khí hoặc túi niệu không gây ra đáp ứng miễn dịch hiệu quả. Các thí nghiệm này đã công bố rằng: vắc-xin MD tiêm vào túi khí không tạo ra được bất kỳ sự bảo hộ nào cho gà, trong khi tiêm vào túi niệu chỉ tạo ra được 28.3% bảo vệ. Còn tiêm vào túi ối hoặc cơ thể phôi sẽ kích thích được khoảng 94% miễn dịch hiệu quả cho gà chủng ngừa.

Như vậy, kết luận từ các thí nghiệm trên: để kích thích miễn dịch bảo hộ hiệu quả trong đường tiêm trứng (in-ovo) đối với vắc-xin kiểm soát bệnh Marek’s, trong 5 vị trí gợi ý ở phần trên, chỉ có hai vị trí trong số 5 vị trí này là có khả năng thúc đẩy hiệu quả các phản ứng miễn dịch chủ động, chính là: túi ối và/hoặc cơ thể phôi. Vắc-xin nên đưa vào sâu vừa đủ bên trong trứng để chạm được vào túi ối (phần dịch ối và cơ thể phôi).

Chính vì thế, nên tiến hành đường tiêm trứng trong thời điểm khuyến cáo ban đầu (xung quanh ngày ấp thứ 18), vì lúc này, hầu hết trứng vẫn còn nước ối khá nhiều, do đó, khi đâm kim tiêm vào sẽ dễ đến được vị trí này hơn. Khi vắc-xin được đưa vào dịch ối, các thành phần trong vắc-xin sẽ được phôi hấp thu trước khi nở. Còn tiến hành đường tiêm trứng ở giai đoạn sau (khoảng ngày ấp thứ 19), lúc này, phôi đã lớn lên khá nhiều, nên phần trăm cơ thể phôi chiếm bên trong trứng sẽ nhiều hơn và khi đâm kim tiêm sẽ dễ chạm đến phôi hơn (tốt nhất nên đâm kim vào phần ức phải). Việc tiêm vào cơ thể phôi là bình thường và không có vấn đề gì, tuy nhiên nếu lực đâm kim quá mạnh sẽ có thể gây ra các tổn thương mô trên phôi.

Như đã lưu ý, vị trí tiêm là một điểm quan trọng cần phải chú ý để tạo ra được các đáp ứng miễn dịch hiệu quả; và sự chính xác rất cần thiết để giúp vắc-xin vào đúng nơi cần đến bên trong trứng để có được hiệu quả bảo vệ mong muốn.

^ Đầu trang

.

Một số Ưu điểm Từ Tiêm trứng (In-Ovo)

Gà khỏe mạnh hơn: Gà được tiếp xúc với vắc-xin sớm hơn sẽ giúp phát triển khả năng miễn dịch sớm hơn.

Giảm tạo căng thẳng cho gà con: Tiêm trứng (in-ovo) giảm thiểu quá trình phải kiểm soát và tạo căng thẳng cho đàn gà con, khi so với tiến hành chủng ngừa tại nhà máy ấp sau khi nở.

Tiêm chính xác, đồng bộ: Quy trình tiêm trứng (in-ovo) thường được thực hiện đồng bộ, bảo đảm liều vắc-xin đúng và thích hợp cho gần 100% trứng.

Giảm chi phí lao động: Với hệ thống tiêm trứng (in-ovo) sẽ giúp giảm chi phí nhân công hơn khi so với quy trình chủng ngừa ở trại ấp lúc một ngày tuổi.

Kim tiêm vệ sinh: Sau mỗi đợt tiêm, các kim tiêm trong thiết bị hỗ trợ sẽ được vệ sinh sạch sẽ. Từ đó, nguy cơ lây lan mầm bệnh của các trứng sẽ được giảm thiểu tối đa, khi so với tiến hành tiêm thủ công sau khi gà nở.

^ Đầu trang

.

Kết luận

Tiêm trứng (in-ovo) đang trở thành một công cụ hỗ trợ quan trọng để làm vắc-xin trong nhà máy ấp. Như đã nói ở trên, phương pháp này đã được bắt đầu từ 25 năm trước với vắc-xin Marek, và ngày hôm nay, đã có rất nhiều sản phẩm khác được dùng qua đường tiêm này. Các vắc-xin như Cevac® Transmune IBD, Vectormune® HV-IBD hay Vectormune® HVT-ND và nhiều sản phẩm vắc-xin khác đã được phát triển với đường tiêm này, vì kỹ thuật này thực sự là một xu hướng đầy triển vọng trong chăn nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, vẫn có một số điều lưu ý cơ bản cần phải nhớ kỹ trước khi quyết định áp dụng ‘công cụ’ này nhằm có được kết quả bảo hộ tốt nhất. Đó chính là phải thực hiện vệ sinh tốt trong nhà máy ấp, tiến hành khử trùng trứng nở thích hợp. Hơn nữa, phải thực hiện bảo trì thiết bị hỗ trợ thường xuyên để bảo đảm sự chính xác của đường tiêm trứng. Bằng cách đảm bảo các bước trong quy trình này được thực hiện chính xác, người chăn nuôi có thể được bảo đảm sẽ nhận được các kết quả tốt từ công nghệ thú vị này.

^ Đầu trang

.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Avakian, A., P.S.Wakenell, T.Bryan, J.L.Schaeffer, C.J.Williams, and C.E.Whitfill, 2002. In-ovo Administration of Marek’s Disease Vaccine: Importance of Vaccine Deposition Site in the Fertile Egg. Proceeding of the 51st Western Poultry Disease Conference, May 1- 4, 2002, pp.119-121, Puerto Vallarta, Mexico.

Meijerhof, R., “Maximising in-ovo vaccination success”

Phelps, P., “The In-ovo Administration of Antibiotics into Broiler Eggs at Transfer”, Ph.D Dissertation, North Carolina State University, 1995.

Sharma, J.M and Burmester, B.R., Resistance to Marek’s Disease at hatching in chickens vaccinated as embryos with the turkey herpesvirus, Avian Diseases, v. 26, p. 134-149, 1982

Wakenell, P.S., T.Brian, J.Schaeffer, A.Avakian, C.Williams, and C.Whitfill, 2002. Effect of In-ovo Vaccine Delivery Route on Herpes Virus of Turkey/SB-1 Efficacy and Viraemia. Avian Disease 46(2); 274-280.

Williams, C.J., “In-ovo Vaccination and Chick Quality”, International Hatchery Practice – Volume 19 Number 2.

Williams, C.J., “In-ovo vaccination for disease prevention”, Pfizer/Embrex Web Home Page

 

<< Trở về trang C.H.I.C.K. Program Online

Đầu trang