...
-->Giới thiệu
-->Bệnh Viêm túi Bursa - Bệnh Gumboro
-->Bệnh Thiếu máu Truyền nhiễm ở Gà
-->Bệnh Marek’s
-->Kết luận
...
MIỄN DỊCH THỤ ĐỘNG - PHẦN 2
(Passive Immunity: Part2)
Tác giả: Tiến sĩ Roberto SOARES, DVM, MSC., ACPV – Ceva Santé Animale – Libourne, Pháp
.
GIỚI THIỆU
Phần đầu của bài viết “Miễn dịch Thụ động trên Gà’ trong số trước đã mô tả cách di chuyển kháng thể từ cơ thể gà mẹ sang đàn con của chúng và tầm quan trọng của các kháng thể này trong việc bảo hộ đàn gà con trước một số bệnh hô hấp nguy hiểm trong suốt tuần lễ đầu đời của nó.
Trong phần hai này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu tầm quan trọng của miễn dịch thụ động trong việc bảo hộ gà con trước bệnh viêm túi Bursa (bệnh Gumboro - IBD), bệnh thiếu máu truyền nhiễm trên gà (Chicken Infectious Anemia: CIA) và bệnh Marek’s (MD).
.
BỆNH VIÊM TÚI BURSA - BỆNH GUMBORO (IBD: INFECTIOUS BURSAL DISEASE)
1. Tầm Quan trọng của Miễn dịch Thụ động trong Bệnh IBD
Vi-rút IBD khi xâm nhiễm đàn gà con dưới 1 tuần tuổi thường không gây ra những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng, cũng như không làm chết gà. Tuy nhiên, nếu gà con này không nhận được kháng thể mẹ truyền (MDA) thì chúng chắc chắn sẽ bị nhiễm bệnh và hệ miễn dịch của chúng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Khả năng làm suy giảm hệ miễn dịch của vi-rút IBD sẽ bị hạn chế hoặc biến mất khi gà lớn lên. Vì vậy, bệnh này chỉ đe dọa khi gà còn nhỏ. Để ngăn chặn các tổn thất phát sinh từ những trường hợp nhiễm bệnh IBD sớm ở gà con, ngành chăn nuôi công nghiệp gia cầm thường tìm cách tăng cường hệ miễn dịch cho đàn giống (thông qua kết hợp vắc-xin sống và bất hoạt) để chúng có được lượng kháng thể tối đa (cả về số lượng lẫn chất lượng) và chuyển giao kháng thể bảo hộ này xuống đàn con của chúng.
Hầu hết các kháng thể miễn dịch kiểm soát IBD được chuyển vào lòng đỏ trứng để cung cấp sự bảo hộ cho gà con thông qua sự lưu truyền máu trong phôi trước khi trứng nở. Ngoài ra, một phần MDA này sẽ được chuyển giao sau khi trứng nở thông qua quá trình tái hấp thu lòng đỏ trứng của gà con. Nhờ vậy, với mức MDA nhận được, gà con sẽ được bảo hộ trong vòng 4 ngày đầu sau khi nở, bất kể khả năng tự sinh miễn dịch của chúng đã hoạt động hay chưa.
Một số nghiên cứu công bố phần trăm kháng thể IBD chuyển giao từ gà mẹ sang đàn con nằm trong khoảng 60-80%. Tuy nhiên, số liệu này lại không đánh giá lượng MDA thật sự có trong gà con vì đã không kiểm tra hiệu giá kháng thể của gà con một ngày tuổi.
Giám sát huyết thanh học bằng phương pháp ELISA hay VN để xác định mức độ MDA trong gà con và xác định xem đàn gà đó đã có được sự bảo hộ cần thiết hay chưa.
Khả năng bảo hộ của MDA có thể dài hay ngắn phụ thuộc vào lượng MDA chuyển giao vào cơ thể gà con và lượng kháng thể mà gà giống tạo ra được. Nói chung, chu kỳ bán rã của MDA đối với gà thịt nằm trong khoảng 3 đến 3.5 ngày.
Tuy nhiên, đối với các giống gà có thời gian sống lâu hơn, chu kỳ bán rã của MDA kéo dài đến 4.5 ngày (gà giống) và 5.5 ngày (gà hướng trứng).
Thông thường, mức MDA (đo bằng phương pháp ELISA hay VN) sẽ giảm đi một nửa vào ngày thứ 4 sau khi nở. Dựa trên thông tin này, khoảng thời gian sau đó chính là lúc gà con trở nên mẫn cảm và rất dễ bị IBD xâm nhiễm.
Ngoài ra, khả năng bảo hộ của miễn dịch thụ động trước vi-rút IBD phụ thuộc vào một số yếu tố như: chủng vi-rút (cổ điển hay biến thể), tính độc lực và áp lực vi-rút xâm nhập. Tuy nhiên, nếu hiệu giá MDA thấp hơn 1:100 (ELISA) nghĩa là gà đó không còn được bảo hộ nữa.
Nên nhớ: các chủng biến thể của vi-rút IBD có thể vượt qua được mức MDA cao hơn chủng cổ điển, do đó, chúng sẽ gây ra hiện tượng nhiễm sớm và hậu quả là đàn gà bị suy giảm miễn dịch. Trong những trại đang lưu hành chủng IBD biến thể, nên tiến hành chủng ngừa cho đàn giống vắc-xin bất hoạt có chứa chủng biến thể tương đồng.
.
2. Tương tác giữa Miễn dịch Thụ động và Quá trình Sinh Miễn dịch trong Bệnh IBD
Cũng như các bệnh khác, miễn dịch thụ động kiểm soát vi-rút IBD của gà sẽ cản trở việc kích hoạt các đáp ứng chủ động tạo kháng thể từ vắc-xin. Đây là vấn đề thường gặp của các chủ trại khi tiến hành tiêm phòng kiểm soát bệnh Gumboro trong trại. Họ cần phải xác định được: thời điểm thích hợp để chủng ngừa cho đàn gà và nên sử dụng chủng vắc-xin nào để vượt qua được mức MDA đang có trong cơ thể gà con mà không bị trung hòa.
Chủng ngừa IBD đúng thời điểm là yêu cầu then chốt trong quy trình chăn nuôi. Nếu vắc-xin IBD đưa vào cơ thể gà có hàm lượng MDA đang cao thì vi-rút trong vắc-xin sẽ bị trung hòa bởi kháng thể. Còn nếu chủng ngừa vắc-xin khi đàn gà có lượng MDA thấp lại làm cho đàn không có sự bảo hộ nào trước khi chủng ngừa và làm cho chúng dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc đến chủng vắc-xin nào sẽ sử dụng khi muốn vượt qua mức MDA đang có trong cơ thể gà con. Nên dùng chủng có độc lực trung bình hay trung bình cộng? Một kiến thức cần phải biết: mức hiệu giá MDA trung bình (trong phương pháp ELISA) cao hơn 500 đơn vị thường có khả năng trung hòa hầu hết các chủng vắc-xin IBD nhược độc. Vì vậy, khi hiệu giá ELISA trung bình này thấp hơn 500 nên sử dụng chủng ‘trung bình cộng’ và thấp hơn 250 nên nghĩ đến chủng ‘trung bình’. Ngoài ra, các vắc-xin có khả năng vượt qua MDA ở mức cao thì chúng cũng sẽ làm tổn thương túi Bursa của gà con.
Để giải quyết các câu hỏi trên, một số công thức tính toán đã được phát triển. Trong số đó, có ‘công thức Deventer’ do công ty Hỗ trợ Thú y Hà Lan đưa ra. Công thức này sẽ dựa trên tỷ lệ phần trăm mặc định là 75% (có nghĩa 25% gà sẽ không nhận được bảo hộ thích hợp vì chúng có mức MDA cao) và đưa ra bảng tính lượng MDA (có được từ đàn lấy mẫu) và chủng vắc-xin nên sử dụng (nghĩa là dùng dòng ‘trung bình’ hay ‘trung bình cộng’).
Hiện nay, một thế hệ vắc-xin IBD mới đã xuất hiện trên thị trường. Vắc-xin này có thể được tiêm an toàn khi trứng 18 ngày tuổi hay chủng ngừa cho gà con một ngày tuổi dù cho mức độ MDA của gà con như thế nào. Thế hệ vắc-xin mới này bao gồm vắc-xin kết hợp với phức hợp miễn dịch Cevac®Transmune IBD và vắc-xin vector như Vectormune®HVT-IBD.
.
BỆNH THIẾU MÁU TRUYỀN NHIỄM Ở GÀ (CIA: CHICKEN INFECTIOUS ANEMIA)
Tầm Quan trọng của Miễn dịch Thụ động trong Bệnh CIA
Vi-rút CIA có thể truyền lây cả chiều ngang và chiều dọc. Bình thường, quy tắc kiểm soát vi-rút CIA trên gà thịt dựa vào tỉ lệ nhiễm tự nhiên CIA trên đàn giống hay tiến hành chủng ngừa cho đàn giống trước khi đẻ trứng.
Sự hiện diện của MDA rất quan trọng để bảo vệ đàn gà con trước sự lây lan của vi-rút ở cả chiều dọc và chiều ngang trong giai đoạn sớm. Điều này cũng làm giảm số lượng gà mang theo vi-rút để truyền lây CIA sang những con khỏe mạnh khác trong đàn.
Gà con không có MDA kiểm soát CIA sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh theo chiều ngang và chiều dọc trong 2 tuần đầu đời và có thể xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng như triệu chứng thiếu máu đặc trưng, suy giảm bạch cầu, xuất huyết và miễn dịch bị giảm sút. Đối với gà con có miễn dịch thụ động nhưng hàm lượng MDA suy yếu đi thì chúng thường bị lây nhiễm theo chiều dọc và xuất hiện các dấu hiệu cận lâm sàng.
Chu kỳ bán rã (theo phương pháp VN) của MDA trong bệnh CIA sẽ kéo dài được khoảng 7 ngày. Khả năng bảo hộ từ MDA này sẽ kéo dài được xấp xỉ ba tuần (trong điều kiện thí nghiệm công cường độc). Tuy vậy, MDA vẫn còn được phát hiện thấy trong tuần thứ 5 ở những gà con của gà mái có hiệu giá VN là 640 (Smith, 2006).
Theo Malo & Weingarten (1995), gà con nên có hiệu giá VN tối thiểu là 9 để ngăn hiện tượng lây nhiễm chiều ngang. Tuy nhiên, theo Markowski-Grimsrud và Schat (2003), khả năng bảo hộ của MDA trong bệnh CIA vẫn hiện diện ngay cả khi gà không còn kháng thể dương tính kiểm soát CIA (phương pháp ELISA) khi được công cường độc lúc 30 ngày tuổi.
Khi so sánh với đàn không có MDA, đàn có miễn dịch thụ động đối với CIA mang lại kết quả kinh tế tốt hơn vì đã cải thiện được tỉ lệ sống, có trọng lượng và FCR tốt hơn. Vì vậy, đó chính là lý do nên chủng ngừa đàn giống trước khi đẻ trứng nhằm đảm bảo các con của chúng sẽ có hàm lượng MDA cao và có được hiệu quả bảo hộ hữu hiệu đồng đều.
.
BỆNH MAREK’S (MD)
Đối với gà con thương phẩm, MDA thường kiểm soát được tất cả các chủng vi-rút MD. Đây là kết quả của sự phơi nhiễm tự nhiên của đàn giống với vi-rút MD và/hay tiến hành chủng ngừa đàn giống với chủng vi-rút 1, 2 và 3.
Khi đàn gà con thiếu miễn dịch thụ động đối với bệnh Marek, người chăn nuôi có thể thấy gà con chết giai đoạn sớm và quan sát thấy hiện tượng tê liệt nhất thời.
Kháng thể thụ động giúp giảm thiểu và làm chậm lại tỉ lệ chết do MD và hầu như tất cả các biểu hiện khác của bệnh, vì MDA sẽ cản trở sự lây lan của vi-rút trong các mô ở những ngày đầu tiên sau khi tiếp xúc với vi-rút.
Các tác dụng phụ của MDA thường có liên quan đến vắc-xin sử dụng khi chủng ngừa. MDA làm cản trở các vắc-xin HVT (không có tế bào) ở mức độ thấp và làm trì hoãn giai đoạn nhiễm vi-rút vào máu của chủng vi-rút trong vắc-xin. Như vậy, không giống các MDA kiểm soát một số vi-rút gây bệnh khác, gà con sẽ không được kích thích sinh miễn dịch và những gà có kết quả kháng thể dương tính vẫn có thể bị nhiễm sau đó (do kết quả dương tính là từ MDA chứ không phải kháng thể tạo ra từ cơ thể gà con), vì vậy, dù kết quả chủng ngừa thành công vẫn không thấy các đáp ứng miễn dịch hiệu quả.
.
KẾT LUẬN
Bảng 1: Sự bảo vệ của MDA và khả năng cản trở miễn dịch chủ động trong một số bệnh thường gặp do vi-rút gây ra trên gà
Miễn dịch thụ động bảo hộ được gà con trong 2 đến 5 tuần đầu tiên trước hầu hết các bệnh do vi-rút gây ra trên gà. Cường độ và thời gian bảo vệ phụ thuộc vào lượng MDA chuyển giao được sang cơ thể gà con. Vì vậy, đàn giống có sự miễn dịch đúng và đồng đều là một nền tảng cần thiết để cung cấp khả năng bảo hộ cao và đồng đều cho gà con một ngày tuổi.
Tuy vậy, MDA cũng cản trở quá trình sinh miễn dịch của vắc-xin sống ở gà con. Do đó, nên xem xét đến việc xây dựng một chương trình chủng ngừa phù hợp trong trại. Mặc dù MDA làm cản trở hiệu lực của vắc-xin nhưng một số trường hợp vẫn nên cân nhắc đến việc sử dụng các vắc-xin có khả năng tồn tại trong nồng độ miễn dịch thụ động cao với mục đích kích thích khả năng bảo hộ cục bộ trên gà con.
.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ahmed, Z. and Akhter, S. 2003. Role of Maternal Antibodies in Protection Against Infectious Bursal Disease in Commercial Broilers. Int. J. of Poultry Sci 2 (4): 251-255
Alam,J. Rahman, M. M. Sil, B. K. Khan, M. S. R. , Sharker, G. and Sarker, M. S. K. 2002. Effect of Maternally Derived Antibody on Vaccination Against Infectious Bursal Disease (Gumboro) with Live Vaccine in Broiler. Int. J. of Poultry Sci. (4): 98-101
Brentano, L., Lazzarin, S., Bassi, S.S., Klein, T.A.P., Shat, K.A. 2005. Detection of Chicken Anemia Virus in the Gonads and in the Progeny of Broilers Breeder Hens with High Neutralizing Antibody Titers. Vet. Microb. 105, 65-72.
Calnek, B. W. 1972. Effects of Passive Antibody on Early Pathogenesis of Marek’s Disease. Infection and Immunity 6:193—198.
Chubb, R. C. and A. E. Churchill. 1969. Effect of Maternal Antibody on Marek’s Disease. The Veterinary Record 85:303-305.
Malo, A. and Weingarten, M. 1995. Determination of Minimum Protective Neutralizing Antibody Titre to CAV in Adult Chickens. Intervet VSD Newsletter 11: 1-5
Markowski-Grimsrud, C.J. and Schat, K.A. 2003. Infection with Chicken Anaemia Virus Impairs the Generation of Pathogen-specific Cytotoxic T Lymphocytes Immunology. 2003 June; 109(2): 283–294.
Phil D. Lukert and Y. M. Saif. Infectious Bursal Disease . In: Disease of Poultry, 11th Ed. Y.M. Saif, H.J. Barnes, A.M. Fadly, J.R. Glisson, L.R. McDougald, and D.E. Swayne, eds Iowa State Press, Ames, IA. Pp. 170, 2003.
Rosemberger, J. K. , and S.S. Clound, 1990. IBDV-CAA Update. Page 113-114 in/ Proceedings 25th National Meeting on Poultry Health and Condemnation, Ocean City, MD
Schat, K.A. Chicken Infection Anemia. In: Disease of Poultry, 11th Ed. Y.M. Saif, H.J. Barnes, A.M. Fadly, J.R. Glisson, L.R. McDougald, and D.E. Swayne, eds Iowa State Press, Ames, IA. Pp. 192, 2003
Smith, J.A. 2006. Broiler Industry Strategies for the Control of Chicken Infectious Anemia Virus infection Smith A.J. AAAP Conference, Hawaii, 42-48
Sommer, F. 2003; Chicken Infectious Anemia Virus (CIAV): Detection of Virus and Antibodies in Commercial Broilers. in: AVMA convention notes .
Witter, R.L. and Schat, K A. . Marek’s Disease . In: Disease of Poultry, 11th Ed. Y.M. Saif, H.J. Barnes, A.M. Fadly, J.R. Glisson, L.R. McDougald, and D.E. Swayne, eds Iowa State Press, Ames, IA. Pp. 436-444, 2003.
Wyeth, P.J. 1980. Passively Transferred Immunity to IBD Following Live Vaccination of Parent Chickens by Two Different Routes. The Veterinary Record, Vol 106, Issue 13, 289-290
<< Trở về trang C.H.I.C.K. Program Online
<< Trở về xem C.H.I.C.K. Program Online Số 18: Miễn dịch Thụ động - Phần 1