...
-->Giới thiệu
-->Áp lực bệnh
-->Những khó khăn của việc chủng ngừa tại trang trại nuôi
...
CHỦNG NGỪA TRONG NHÀ MÁY ẤP
Một giải pháp kiểm soát toàn bộ quy trình sử dụng vắc-xin
( - Hatchery vaccination
Toward a full control of vaccine administration - )
Tác giả: S. Comte, S. Warin và L. Mogenet – CEVA Santé Animale – Pháp
.
GIỚI THIỆU
Tiêm phòng cho gà con tại nhà máy ấp bắt đầu từ những năm 1970. Thời điểm đó, các trang trại đang phải đối mặt với các tổn thất rất lớn từ dịch bệnh Marek, đặc biệt trong các trại gà thịt tại Hoa Kỳ. Các kết quả tích cực đạt được sau đó đã khuyến khích các công ty và phòng thí nghiệm nghiên cứu các dòng sản phẩm và trang thiết bị dành riêng trong lĩnh vực này, và qua thời gian, việc tiêm phòng tại nhà máy ấp đã trở thành một bước quan trọng cần phải thực hiện trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm.
Ngày nay, các nước có quy mô sản xuất lớn như Hoa Kỳ, Brazil hay một số nước châu Âu đều có 100% gà thịt đã được tiêm phòng trong giai đoạn trứng hay vào thời điểm một ngày tuổi (tiêm hoặc phun sương). Phần lớn các nước châu Phi, Trung Đông và châu Á cũng đã áp dụng phương pháp chủng ngừa tại nhà máy ấp vào lúc một ngày tuổi nhằm kiểm soát bệnh Newcastle (ND).
Các vắc-xin thế hệ mới, như vắc-xin kết hợp với phức hợp miễn dịch trong bệnh Gumboro hay vắc-xin tái tổ hợp trên vector HVT có tác dụng phòng bệnh Gumboro (IBD), bệnh Newcastle (ND) hay Viêm Thanh khí quản Truyền nhiễm (LT), đang ngày càng phổ biến và được chú ý nhiều hơn để sử dụng trong quy trình chủng ngừa tại nhà máy ấp.
Trong một vài năm tới, không có gì khó để tưởng tượng đến một viễn cảnh mà 80 đến 90% gà thịt sẽ được chủng ngừa tại nhà máy ấp. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các trang thiết bị tiên tiến xuất hiện nhằm hỗ trợ việc tiêm phòng hay phun sương cho gà con một-ngày-tuổi. Những thiết bị này sẽ cải thiện chất lượng và hiệu quả của quy trình chủng ngừa.
Nhiều người không hiểu tại sao các nhà máy ấp phải áp dụng quy trình chủng ngừa này trong khi chi phí đầu tư vào thiết bị và nhân công là khá cao? Trong khuôn khổ bài viết, sẽ đề cập đến một vài yếu tố có thể giải đáp nghi vấn này.
.
SỰ TIẾN HÓA GIEN
Trong ngành công nghiệp chăn nuôi gà thịt, tuổi gà xuất chuồng đã giảm 1 ngày mỗi năm trong suốt 30 năm qua, nhờ các cải tiến di truyền. Điều này đã làm tăng tầm quan trọng của các nhà máy ấp trong quy trình chăn nuôi.
.
ÁP LỰC BỆNH
Chủng ngừa giai đoạn sớm rất quan trọng để các gà con có khả năng đối mặt với các vi-rút gây bệnh trên đường hô hấp như bệnh Newcastle (ND), Viêm Phế quản Truyền nhiễm (IB) và bệnh Marek trong trại nuôi.
Đối với bệnh Marek, trong trại có áp lực bệnh cao sẽ phải thúc đẩy việc chủng ngừa cho gà con càng sớm càng tốt, nghĩa là: phải chủng ngừa sau khi gà con nở ra, hay thậm chí trong giai đoạn còn trong trứng, để gà con mới nở này có được sự bảo hộ trước các vi-rút gây bệnh ngoài môi trường đã được vài giờ hoặc vài ngày. Bởi vì vi-rút trong vắc-xin thường nhân lên chậm hơn so với các vi-rút anh em của nó ngoài môi trường, do đó, cần phải có thêm thời gian để kích thích hệ thống miễn dịch của gà con hoạt động (Sharma, 1982).
Đối với ND và IB, nhà máy ấp là nơi duy nhất hoàn toàn phù hợp để thực hiện biện pháp phun sương cho đàn gà con một-ngày-tuổi nhằm kích thích chúng sớm tạo ra sự miễn dịch cục bộ và miễn dịch hệ thống. Đây là hai hệ thống rất quan trọng trong khả năng bảo hộ chống lại các bệnh hô hấp. Ngoài ra, nhìn xa hơn, quy trình chủng ngừa tại nhà máy ấp chính là bước đệm để khi các trang trại tái chủng với vắc-xin bất hoạt thì đàn gà sẽ có được khả năng bảo hộ kéo dài, đặc biệt đối với ND.
.
NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA VIỆC CHỦNG NGỪA TẠI TRANG TRẠI NUÔI
Quy trình chủng ngừa tại trang trại nuôi cũng có các quy tắc cần tuân theo để có được kết quả bảo hộ mong muốn. Chất lượng của việc chủng ngừa tại trang trại có thể rất khác nhau giữa trại này và trại kia, hoặc giữa khu này với khu khác. Các nhà sản xuất và cung cấp vắc-xin đã nỗ lực rất nhiều trong những năm qua để huấn luyện nhân viên kỹ thuật và người chăn nuôi nắm vững các bước thực hiện trong quy trình chủng ngừa. Người quản lý trại phải lên kế hoạch hằng ngày trong việc kiểm soát và sử dụng vắc-xin. Tuy nhiên, biện pháp phun sương và pha nước uống tại trang trại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như phải chú ý đến thời gian mất tác dụng của vắc-xin (phải bảo đảm đàn gà tiêu thụ hết lượng dung dịch vắc-xin đã chuẩn bị), kết quả chủng ngừa dễ bị ảnh hưởng bởi một số tác nhân như nhiệt độ, chất lượng nước và vật liệu chứa dung dịch vắc-xin cũng như phải chú ý đến tay nghề thực hiện quy trình của nhân công trong trại. Các yếu tố này gây ra một số biến đổi nhất định trong kết quả chủng ngừa và dẫn đến một số thất bại không thể giải thích được.
.
QUẢN LÝ NGUỒN NHÂN LỰC
Chỉ xem xét riêng về mặt quản lý nhân công, ai cũng thấy rằng: rất dễ dàng để huấn luyện và quản lý một đội ngũ 10 đến 15 người tại nhà máy ấp, hơn là huấn luyện và giám sát tất cả người chăn nuôi sử dụng sản phẩm như yêu cầu đặt ra. Một trang thiết bị chủng ngừa hiện đại, được sử dụng chuyên dụng ở một nơi được kiểm soát, được tiến hành bởi những người chuyên nghiệp và nắm vững các bước thực hiện trong quy trình chủng ngừa, thì đương nhiên rằng: toàn bộ quy trình chủng ngừa sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, việc kiểm soát tình hình vệ sinh, huấn luyện nhân viên và giám sát việc tuân thủ theo quy định ở nhà máy ấp đều dễ dàng hơn ở trang trại nuôi rất nhiều.
Hình 1 Quy trình chủng ngừa tại nhà máy ấp
.
THẾ HỆ MỚI CỦA VẮC-XIN
Trong nhà máy ấp, thường thực hiện chủng ngừa để phòng bệnh Marek, bệnh Newcastle (ND) và Viêm Phế quản Truyền nhiễm (IB) cho gà con một-ngày-tuổi.
Hình 2 Cấu trúc của Cevac® Transmune IBD
Trong 5 năm vừa qua, các công ty sản xuất vắc-xin đã chế tạo ra một dòng vắc-xin thế hệ mới cho phép thực hiện việc tiêm phòng sớm chỉ với một liều duy nhất tại nhà máy ấp. Thế hệ vắc-xin mới này gồm vắc-xin kết hợp với phức hợp miễn dịch dùng trong bệnh Gumboro (IBD) hay các vắc-xin tái tổ hợp trên HVT để phòng bệnh IBD, ND hay LT.
Ví dụ như, việc tiêm phòng kiểm soát bệnh Gumboro (Viêm Túi Bursal: IBD) bằng vắc-xin kết hợp với phức hợp miễn dịch: Cevac® Transmune IBD, trong nhà máy ấp. Khi sử dụng một liều vắc-xin này cho mỗi gà con sẽ đem tới gấp đôi lợi thế khi sự giải phóng vi-rút trong vắc-xin không hề bị tác động bởi hàm lượng kháng thể mẹ truyền đang có ở gà con. Vì thế, sử dụng Cevac® Transmune IBD sẽ không cần xác định thời điểm tốt nhất nên chủng ngừa và tránh được các rủi ro có liên quan đến chủng ngừa tại trang trại nuôi qua đường uống, ví dụ như sự hiện diện của chất sát trùng hay ion kim loại trong nước pha, thời gian gà nhịn uống nước (trước khi tiến hành chủng ngừa) quá dài hay quá ngắn, tính toán sai khối lượng dung dịch vắc-xin cần dùng, chọn ngày chủng ngừa không hợp lý, bị sự cố khi bảo quản lạnh trong quá trình vận chuyển hay bảo quản trong trang trại, vắc-xin bị đông lạnh, chai vắc-xin bị vỡ, hết hạn sử dụng, hoặc sử dụng đồ đựng kim loại,… Nhờ các lợi thế này, nhà máy ấp sử dụng Cevac® Transmune IBD sẽ kiểm soát toàn bộ quy trình thực hiện chủng ngừa tốt hơn và bản thân vắc-xin sẽ kích thích đàn gà có được sự bảo hộ đồng đều, nhờ thế sẽ kiểm soát tốt hơn các tác dụng tiêu cực của IBD trên hiệu suất đàn.
.
ĐỐI MẶT VỚI THÁCH THỨC
Ở trên đã đề cập đến các ưu điểm mà quy trình chủng ngừa tại nhà máy ấp đem lại, tuy nhiên, cũng như các quy trình khác, quy trình này cũng có những thách thức và những quy tắc cần tuân theo để bảo đảm có được kết quả chủng ngừa tốt cho đàn gà con. Khi thực hiện quy trình chủng ngừa tại nhà máy ấp sẽ thay đổi tầm quan trọng của nó đối với trang trại nuôi vì trại ấp lúc này sẽ cung cấp được những gà con có “chất lượng” và phòng chống được một số bệnh nhất định. Thế nhưng, cũng phải nhớ một điều: khả năng bảo hộ gà con từ vắc-xin hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng chủng ngừa tại nhà máy ấp: những gà bị bỏ qua không được chủng ngừa có khả năng rất lớn trở thành những con không được bảo hộ và dễ bị tấn công hơn. Ngoài ra, vấn đề đầu tư tài chính vào trang thiết bị và nhân công tại nhà máy ấp cũng vượt trội hơn so với việc thực hiện chủng ngừa tại trang trại nuôi.
Tóm lại, với mục đích tăng cường kiểm soát soát rủi ro trong công nghiệp chăn nuôi gia cầm, chủng ngừa tại nhà máy ấp ngày càng được áp dụng như một giải pháp hướng đến việc kiểm soát toàn bộ quy trình chủng ngừa, tạo sự bảo hộ đồng đều cho đàn gà, và kết quả cuối cùng là cải thiện hiệu suất của đàn.