C.H.I.C.K. Program Online - Số 09

Tiêm phòng ở trại ấp

 

...

 

--> Tại sao phải thực hiện tiêm phòng trong trại ấp?

--> Thực hiện tiêm phòng ở trại ấp

--> Quản lý sự tương tác của vắc-xin

--> Kết luận

 

...

 

TIÊM PHÒNG  TRẠI ẤP

(VACCINATION IN THE HATCHERIES)

Tác giả: Tiến sĩ Stephan WARIN, DVM, Giám đốc phụ trách Sản phẩm Quốc tế - Bộ phận Kinh doanh Gia cầm

CEVA Santé Animale, La Ballastiere, BP 126, 33501 Libourne Cedex, Pháp

.

1. TẠI SAO PHẢI THỰC HIỆN TIÊM PHÒNG TRONG TRẠI ẤP?

Tại sao phải thực hiện tiêm phòng ở trại ấp trong khi có thể thực hiện việc này trong trang trại nuôi? Tại sao phải thêm giai đoạn chủng ngừa trong quy trình cần thực hiện cho gà con mới nở (phân chia giống, phân loại kích cỡ, đóng thùng,…) và làm chậm quá trình chuyển gà con sang trang trại? Bởi vì có nhiều lý do nên thực hiện việc này, cụ thể như sau:

1.1 Tình hình Dịch tể

Ở khu vực có áp lực bị nhiễm bệnh cao thì việc tiêm phòng cho gà con sẽ được thúc đẩy thực hiện càng sớm càng tốt, như gà con sẽ được chủng ngừa ngay khi nở, hay thậm chí trước đó, tiêm phòng ở giai đoạn trứng, để gà con sau khi nở đã có được kháng thể vài giờ hoặc một ngày trước đó nhằm chống lại các chủng vi-rút trong tự nhiên. Nên nhớ rằng chủng vi-rút trong vắc-xin thường nhân đôi chậm hơn so với các chủng vi-rút ngoài tự nhiên, chúng cần nhiều thời gian hơn để kích thích hệ thống miễn dịch của gà con, đặc biệt đối với vắc-xin tiêm phòng chống lại bệnh Marek (Sharma, 1982).

^ Đầu trang

.

1.2 Tình hình Vệ sinh

Ở trại ấp, vấn đề kiểm soát vệ sinh, huấn luyện nhân viên và quy trình thực hiện được tuân thủ một cách nghiêm ngặt hơn so với trang trại nuôi. Độ thông gió, nhiệt độ và độ ẩm tương đối ở trại ấp đều được kiểm soát tốt. Tình hình vệ sinh ở trại ấp cũng tốt hơn trang trại nuôi: giữ tay sạch, đội nón bảo hộ và khẩu trang, thậm chí cũng áp dụng quy trình tiệt trùng kim tiêm giữa mỗi lần tiêm phòng khi tiêm trứng (in-ovo vaccination). Hơn nữa, đối với người thực hiện tiêm phòng, điều kiện làm việc và ánh sáng ở trại ấp tốt hơn trang trại: những thuận lợi này giúp họ kiểm soát công việc tốt hơn.

^ Đầu trang

.

1.3 Khía cạnh Chất lượng

Tiêm vắc-xin phòng bệnh Gumboro (IBD) ở trại ấp (như vắc-xin kết hợp với phức hợp miễn dịch Cevac® Transmune IBD) sẽ cung cấp sự bảo hộ gấp đôi khi thực hiện việc tiêm phòng nghiêm chỉnh cho mỗi gà con và sự bảo hộ của vi-rút trong vắc-xin ở mỗi cá thể được tiêm phòng phụ thuộc vào lượng kháng thể mẹ truyền. Khi đã tiêm phòng ở trại ấp có thể giúp những người chăn nuôi không cần tính toán thời gian tiêm nhắc lại và không quá lo lắng đến các rủi ro ảnh hưởng đến kết quả tiêm phòng ở trang trại nuôi, như trong vắc-xin được pha với nước có sự hiện diện của chất tiệt trùng hay ion kim loại, thời gian cho ngưng uống nước quá lâu hay quá ngắn, tính toán sai lượng dung dịch vắc-xin, tiêm phòng sai ngày, bảo quản vắc-xin không đủ lạnh trong khi chuyên chở và dự trữ trong trang trại, vắc-xin chưa rã đông hoàn toàn, vỡ lọ vắc-xin, vắc-xin quá hạn, sử dụng ống tiêm kim loại,…

Máy tiêm phòng ở trại ấp có thể thực hiện tiêm phòng năm vắc-xin cùng một lúc, do đó, sẽ giới hạn stress tạo ra cho gà con. Vì thế, gà sẽ không cần phải ngưng uống nước và không bị stress quá mức do tiêm phòng như khi được nuôi trong trang trại.

Hơn nữa, phản ứng phụ sau khi tiêm nhiều vắc-xin cùng một lúc cũng chỉ bằng với khi tiêm một vắc-xin duy nhất và không hề xuất hiện phản ứng “bão hòa” của hệ thống miễn dịch.

Ngoài máy tiêm, trại ấp còn sử dụng hình thức phun sương để chủng ngừa. Khi phun sương, các gà con được để trong một hộp và sử dụng buồng phun sương “Cabinet Sprayer” - một loại hộp kín để bảo đảm sự phân tán tối đa của vắc-xin.

Hình 1 Máy phun sương ở trại ấp của hãng Desvac

^ Đầu trang 

.

1.4 Khía cạnh Tài chính và Nhân sự, và Bối cảnh Chung

Trại ấp sẽ cung cấp các gà con đã được tiêm phòng cho khách hàng nếu các chủ trang trại nuôi muốn được đảm bảo chương trình tiêm phòng sau này ở trại của mình có chất lượng tốt. Nên nhớ rằng các gà con “tiền” chất lượng này, trong một vài trường hợp, sẽ được bán với giá cao hơn. Ví dụ như, khi tiêm phòng bệnh Gumboro ở trại ấp bằng vắc-xin phức hợp miễn dịch Cevac® Transmune IBD sẽ giúp cho sự bảo hộ ở gà con ở mức cao với sự hiện diện chắc chắn của hệ thống miễn dịch trong huyết thanh; và chủ trại không cần phải mất một hay vài ngày để tiêm phòng bệnh này. Các ưu điểm này cho thấy rằng trại ấp có thể tăng giá trị sản phẩm và nâng vị thế cao hơn so với đối thủ cạnh tranh.

^ Đầu trang

.

2. THỰC HIỆN TIÊM PHÒNG Ở TRẠI ẤP

Tiêm phòng ở trại ấp có thể gặp phải ba khó khăn sau:

  • Tương tác với kháng thể mẹ truyền: gà mái thường truyền nhiều loại kháng thể khác nhau cho con của chúng để bảo vệ gà con trong suốt tuần đầu tiên sau khi nở. Các kháng thể này hoạt động chống lại các vi-rút ngoài tự nhiên nhưng đồng thời cũng trung hòa cả vi-rút trong vắc-xin sống, do đó ngăn cản các vi-rút này tăng sinh, không tạo đủ số lượng cần thiết và từ đó hệ thống miễn dịch không được kích thích hoạt động. Kháng thể mẹ truyền sẽ hiện diện trong vòng tuần hoàn máu bình thường, và ít hơn ở một vài cơ quan như mắt, mũi và màng niêm mạc khí quản - phổi. Vì thế, nếu thực hiện phòng ngừa bằng cách sử dụng vắc-xin sống theo hình thức phun sương sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn (thường áp dụng trong Viêm Phế quản Truyền nhiễm IB và bệnh Newcastle ND): các vi-rút này trong màng niêm mạc sẽ được nhân bản tự do và kích thích phản ứng miễn dịch cục bộ - hệ thống phòng thủ đầu tiên của gà con (Russel & Koch, 1993). Hơn nữa, các màng niêm mạc này là đường xâm nhập chính của các vi-rút ngoài tự nhiên nên sẽ hạn chế phần nào sự xâm nhập sau khi chủng ngừa. Tuy nhiên, miễn dịch cục bộ lại hoạt động yếu khi phải chống lại các loại vi-rút có đường xâm nhập là ống tiêu hóa (như vi-rút gây bệnh Gumboro).
  • Vì tiêm phòng trong trại ấp là tiêm phòng đầu tiên, dòng vi-rút sử dụng sẽ phải được bảo đảm hiệu quả và an toàn để tạo ra sự bảo hộ hiệu quả mà không gây phản ứng phụ cho gà. Lựa chọn dòng vắc-xin và mức độ suy giảm lượng kháng thể theo thời gian nên phụ thuộc vào tình trạng vệ sinh của gà con và điều kiện chăn nuôi: sự bảo hộ kéo dài nên được lựa chọn tiêm phòng cho gà con nhiễm Mycoplasma hay những con sẽ chuyển tới những trang trại có điều kiện không ổn định nhằm làm giảm nguy cơ tạo ra các bệnh phức hợp.
  • Vì sử dụng đồng thời nhiều vắc-xin cùng một lúc nên cần chú ý đến hiện tượng tương tác giữa các loại vắc-xin hoặc nếu bắt buộc phải có thì nên hạn chế tối đa các hiện tượng này. Ví dụ như sự khác biệt do bản chất sinh học của vi-rút gây bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IBV: Infectious Bonchitis virus) và vi-rút gây bệnh Newcastle (NDV: Newcastle disease virus) là IBV chỉ cần 24 đến 48 giờ để sinh sôi đến số lượng cần thiết trong khi NDV cần khoảng 4 đến 5 ngày. Cách đây ba mươi năm, thí nghiệm đã chứng minh rằng vắc-xin NDV (dòng HB1) cung cấp sự bảo hộ chống lại bệnh Newcastle thực nghiệm tốt hơn vắc-xin kết hợp giữa NDV và IBV (như vắc-xin kết hợp HB1 và H120). Vì thế, nếu áp lực bệnh trong trại cao, nên thực hiện hai mũi vắc-xin riêng biệt cách nhau một tuần và mũi đầu tiên nên tiêm phòng chống lại bệnh nào có nguy cơ xuất hiện cao hơn (thường là ND).

^ Đầu trang

.

2.1 Bệnh Gumboro / Viêm túi Bursa (IBD: Infectious Bursal Disease)

Khi kháng thể mẹ truyền (MDAs: Maternally-derived antibodies) có khả năng trung hòa cao (Solano, Giambrone, Williams, 1986), tốt hơn nên sử dụng vắc-xin nhược độc từ dòng có độc lực yếu ở trại ấp và chỉ có thể sử dụng vắc-xin dòng truyền thống khi gà con không được gà mẹ truyền kháng thể. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng kháng thể mẹ truyền rất khó để biết được. Hơn nữa, phần lớn gà con đều hiện diện kháng thể mẹ truyền và vì thế đều có khả năng trung hòa vi-rút trong vắc-xin.

Rủi ro giảm sự bảo hộ do kháng thể mẹ truyền chỉ có thể không để ý tới khi trại sử dụng một loại vắc-xin mới chứa vi-rút độc lực hơn trung bình một chút và được bảo vệ khỏi kháng thể (như huyết thanh đặc hiệu). Loại vắc-xin này được gọi là vắc-xin phức hợp miễn dịch (Whitfill et al., 1995). Vi-rút trong vắc-xin không hoạt động cho đến khi lượng kháng thể mẹ truyền giảm đáng kể. Lúc đó, chúng mới được giải phóng và bắt đầu nhân lên rồi kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động. Thuận lợi thứ hai là vắc-xin này có khả năng thích ứng tự động với lượng kháng thể mẹ truyền ở gà con: nghĩa là vi-rút trong vắc-xin sẽ được giải phóng ngay khi gà con chỉ còn một ít kháng thể mẹ truyền. Vì lý do đó, hệ thống miễn dịch của gà con sẽ luôn được kích thích lại khi lượng kháng thể tồn tại trong cơ thể giảm xuống một ngưỡng nào đó. Nhờ thế, việc tái chủng ở trang trại không còn cần thiết. Vắc-xin phức hợp miễn dịch có thể tiêm phòng cho gà con một ngày tuổi hay tiêm trứng (in ovo).

Hình 2 Máy Ceva Autovac

^ Đầu trang 

.

2.2 Bệnh Newcastle (ND)

Vắc-xin sống dùng để phun sương thường là dòng vi-rút có độc lực yếu (gọi là “lentogenic” với đặc điểm: làm chết phôi sau 90 giờ), như dòng Hitchner B1 hay thậm chí không có độc lực (gọi là “apathogenic enterotropic” với đặc điểm: không tạo ra phản ứng phụ sau khi tiêm phòng và vị trí tác động chủ yếu ở ruột) như dòng Phy.LMV.42. Dòng độc lực yếu chủ yếu nhân lên ở màng nhầy khí quản và có thể là kết quả của nhiễm trùng thứ cấp. Dòng không có độc lực được ưa chuộng hơn vì sau khi nhân lên ở khí quản sẽ không gây phản ứng phụ nào, và chúng cũng nhân lên ở ruột. Sự nhân lên ở ruột của vi-rút này không ảnh hưởng đến sức phát triển của gà.

Khi áp lực bệnh cao hơn, nên thực hiện thêm chu trình tiêm phòng dưới da hay tiêm bắp các loại vắc-xin bất hoạt (thường là dòng La Sota).

Tiêm phòng ở trại ấp sẽ được tiếp tục bằng một hay vài chương trình tiêm phòng ở trang trại nuôi bằng các dòng vắc-xin sống nhược độc như La Sota tùy theo tình hình dịch tể của khu vực đang nuôi.

^ Đầu trang

.

2.3 Viêm phế quản truyền nhiễm (IB)

Dòng sử dụng thường là Massachussets (như H120, Connecticut, Ma5), dưới dạng vắc-xin sống nhược độc và phù hợp để phun sương. Dòng nhược độc thấp như H52 đã không còn hiệu quả. Ở trang trại nuôi, thường tái chủng khoảng 16 - 20 ngày sau với dòng tương tự hay dòng biến thể khác.

^ Đầu trang

.

2.4 Bệnh Marek

Tiêm phòng chống lại bệnh Marek thường được thực hiện ở con giống được nuôi thời gian dài (như gà mái tơ giống, gà thịt, gà giống màu hay gà giống địa phương) hay gà giống được nuôi thời gian ngắn (như gà thịt giống Mỹ hay Brazil). Hiện nay, các vắc-xin đang sử dụng ba loại vi-rút. Loại đầu tiên được phân lập từ gà tây từ năm 1969 (HVT: Herpes Virus Turkey), không gây bệnh trên gà. Đây là vắc-xin đông khô hay vắc-xin đông lạnh với chủng vi-rút được nuôi cấy trên tế bào, có hiệu lực chống lại các chủng vi-rút độc lực gây bệnh Marek (được kí hiệu là “v”: virulent (độc lực)). Vào năm 1978, người ta phân lập được một dòng nguy hiểm khác, SB-1, có nguồn gốc từ gà. Dòng này được nuôi cấy trên tế bào và được sản xuất dưới dạng vắc-xin đông lạnh với ni-tơ lỏng. Sự kết hợp này kích hoạt chống lại các dòng vi-rút rất độc (“vv”: very virulent) của bệnh Marek.

Vào năm 1995, vắc-xin thứ ba phân lập từ gà được tập trung nghiên cứu để có hiệu lực chống lại dòng vi-rút cao hơn cả “vv” (very virulent +) của bệnh Marek. Loại này chỉ tồn tại dưới dạng vắc-xin đông lạnh với chủng vi-rút được nuôi cấy trên tế bào (Rispens).

Dạng vắc-xin đông lạnh với chủng vi-rút được nuôi cấy trên tế bào rất yếu ớt và đòi hỏi quy trình rã đông và pha loãng cực kì cẩn thận. Vắc-xin bệnh Marek được tiêm dưới da ở phần sau cổ hay tiêm bắp đùi. Ngoài ra, cũng có thể bằng đường tiêm trứng (in ovo). Ngoại trừ vài trường hợp rất hiếm, không thực hiện tiêm phòng cho gà hậu bị ở trang trại.

Hình 3 Máy tiêm gà con một ngày tuổi

Hướng dẫn Chuẩn bị Vắc-xin Marek Đông lạnh

Hộp chứa Ni-tơ lỏng nên được trữ trong phòng hoàn toàn thông gió. Kiểm tra mức độ khí và không được để thấp hơn một phần ba dung tích. Đeo găng tay và kiếng bảo vệ để chạm vào sản phẩm đang được bảo quản trong ni-tơ lỏng.

1. Lấy vòng bảo vệ xung quanh lọ vắc-xin ra khỏi hộp chứa.

2. Nhúng lọ vắc-xin vào trong bể nước 28oC trong 2 phút.

3. Lấy lọ ra và lau khô.

4. Chắc chắn tất cả vắc-xin đang nằm ở đáy lọ bằng cách vỗ vào phần đầu, sau đó mở nắp ra.

5. Hút từ từ vắc-xin bằng cách sử dụng ống tiêm có kim tiêm lớn (đường kính nhỏ nhất là 1.2 mm).

6. Tiêm chầm chậm vắc-xin vào dung dịch pha. Xoay nhẹ nhàng ống chứa dung dịch giữa các ngón tay và sau đó hút một ít dung dịch vắc-xin trở lại vào trong lọ để tráng các vắc-xin còn sót lại.

7. Sau khi tráng lọ, dùng ống tiêm vừa dùng hút các dung dịch bên trong lọ và một lần nữa chầm chậm tiêm trở lại vào dung dịch vắc-xin.

8. Xoay nhẹ nhàng ống chứa dung dịch để có được dung dịch vắc-xin đồng nhất mà không tạo bọt ở trên bề mặt.

9. Trong suốt quá trình tiêm phòng, khuấy ống chứa dung dịch ba đến bốn lần một giờ để việc đóng cặn tế bào ở phần đáy không xảy ra.

10. Sau khi pha loãng vắc-xin xong, nên tiêm phòng cho gà con trong vòng hai giờ.

Hiện nay, vắc-xin mới nhất đang được phát triển là vắc-xin tái tổ hợp. Các vi-rút HVT trong các vắc-xin này ngoài chống lại bệnh Marek còn bảo vệ chống lại các bệnh khác như bệnh Gumboro. Tuy nhiên, các vắc-xin này chưa chứng minh sự bảo hộ đầy đủ của chúng qua các thí nghiệm (nhất là khi sử dụng đồng thời nhiều loại vắc-xin tái tổ hợp có cùng vật mang (vector)).

^ Đầu trang 

.

2.5 Bệnh Cầu trùng

Chủng ngừa bằng cầu trùng sống còn độc lực hay cầu trùng nhược độc cho kết quả giới hạn. Một số chúng được gọi là dòng tiền cầu trùng vì chúng nhân đôi nhanh hơn nhưng số lượng lại ít hơn so với chủng ngoài tự nhiên (vì các cầu trùng này đã mất một vài giai đoạn phát triển trong vòng đời của chúng). Dung dịch vắc-xin được cung cấp cho gà một ngày tuổi bằng cách phun sương hoặc ở dạng nhỏ giọt ở phần thân dưới của gà để gà nuốt các cầu trùng này khi rỉa lông (thói quen rỉa lông sẽ gia tăng khi nhuộm đỏ dung dịch vắc-xin). Bằng cách nhân lên nhanh hơn so với các dòng ngoài tự nhiên, vắc-xin cầu trùng kích thích miễn dịch sớm hơn mà không gây ra các tổn thương lớn trên hệ thống tiêu hóa (khả năng lan rộng kém nên không gây bệnh tích tràn lan). Một phương pháp khác là tiêm cầu trùng nhược độc hay thậm chí tiêm cả cầu trùng ngoài tự nhiên với số lượng ít vào các trứng có phôi (nhân lên ở màng đệm túi niệu của phôi gà). Hiện nay, các vắc-xin đang được phát triển theo hướng tiêm trứng (in-ovo). Một điều cần lưu ý là khi tiêm chủng vắc-xin kháng cầu trùng tại trại ấp thì không cần tiêm nhắc lại ở trang trại nuôi nữa.

^ Đầu trang 

.

2.6 Bệnh Cúm

Vắc-xin cúm được tiêm phòng vào lúc một ngày tuổi ở các khu vực có áp lực vi-rút cao nhưng chỉ được sử dụng vắc-xin vô hoạt. Tiêm phòng hiếm khi thực hiện ở trại ấp nhưng hầu hết lại thực hiện ở trang trại nuôi vào lúc 3 - 4 tuần tuổi cho gà mái tơ và 7 - 10 ngày tuổi ở gà thịt trong các nước bắt buộc phải tiêm phòng.

^ Đầu trang

.

2.7 Bệnh Đậu gà

Mặc dù vắc-xin Đậu gà hiếm khi được tiêm phòng, nhưng ở trại ấp vẫn thực hiện chủng ngừa. Vi-rút đậu gà có thể hữu dụng hơn ở trại ấp (tiêm vào một ngày tuổi hay tiêm trứng - in ovo) khi sử dụng như một vật mang (vector); nghĩa là mã gen của các protein bề mặt của vi-rút khác (như gen cho protein bề mặt biểu hiện bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm hay gen HN và F của vi-rút gây bệnh Newcastle) được gắn vào bộ gen của vi-rút Đậu trong vắc-xin để khi được tiêm phòng vào cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch chống lại được cả hai bệnh: bệnh Đậu và bệnh có gen được chèn thêm vào.

Hình 4 Hệ thống Embrex Inovoject để tiêm trứng

^ Đầu trang

.

3. Quản lý sự Tương tác của Vắc-xin

3.1 Giữa các Vi-rút Sống

Vi-rút gây bệnh viêm phế quản truyền nhiễm có khả năng làm nhiễu loạn sự nhân lên của vi-rút gây bệnh Newcastle thông qua cơ chế chưa được hiểu rõ. Một phương pháp để hạn chế vấn đề này là sử dụng các chủng có sự nhân lên bằng hai con đường khác biệt nhau (như khí quản và ruột).

3.2 Giữa Vi-rút Sống và Vi-rút Bất hoạt

Trong các nước có áp lực bệnh Newcastle cao, thường kết hợp vắc-xin sống và vắc-xin nhược độc lại với nhau. Sự kết hợp này sẽ cho kết quả khả quan hơn rất nhiều: vắc-xin sống kích thích miễn dịch cục bộ tiết ra các interferon, giúp cho cơ thể đề kháng được sự xâm nhập của chủng vi-rút ngoài tự nhiên chỉ sau vài giờ. Sau đó vài ngày, vắc-xin sống tiếp tục kích thích cơ thể sản xuất kháng thể cục bộ để ngăn chặn đường xâm nhập của vi-rút. Trong khi đó, vắc-xin bất hoạt không bị ảnh hưởng của kháng thể mẹ truyền nên hai tuần sau khi chủng ngừa vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể và kích thích hệ thống miễn dịch, do đó thường được sử dụng trong các thời điểm có kháng thể mẹ truyền cao (Bennejean 1978).

^ Đầu trang

.

4. KẾT LUẬN

Tiêm phòng ở trại ấp, khi được kiểm soát tốt, mang đến nhiều thuận lợi và hiệu quả, không chỉ ở quan điểm dịch tể mà còn từ quan điểm vệ sinh, chất lượng và tài chính. Do đó, càng có nhiều công ty áp dụng quy trình này và do đó, các sản phẩm và dụng cụ đặc biệt được thiết kế dành riêng cho mảng này cũng được phát triển.

^ Đầu trang

 

<< Trở về trang C.H.I.C.K. Program Online

Đầu trang