Các xu hướng phát triển dị tật trong giống gà thịt hiện nay - Phần 2

Dự án nghiên cứu này được đầu tư tiến hành để kiểm tra các kiểu dị tật và tỉ lệ bất thường trên cấu tạo cơ thể xuất hiện trong các giống gà thịt đang được nuôi hiện nay.

.

Phần 2 sẽ đề cập đến các nguyên nhân gây ra dị tật và vấn đề về sức khỏe trong đàn gà thịt. Các nguyên nhân này khá phức tạp và có sự kết hợp của nhiều yếu tố, cũng như, sự kết hợp của nhiều gien, và có cả tác động từ môi trường, cách quản lý và yếu tố dinh dưỡng.

...

 

-->Dị tật trên gà con mới nở

-->Những thay đổi mạnh mẽ

-->Xu hướng dịch tể học

-->Nguyên nhân giả định và các yếu tố liên quan

-->Môi trường ô nhiễm

-->Kết luận

 

...

.

CÁC XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN DỊ TẬT TRONG GIỐNG GÀ THỊT HIỆN NAY

(Trends in developmental anomalies in contemporary broiler chickens)

Tác giả: Tiến sĩ Andrew A. Olkowski, DVM và Tiến sĩ Bernard Laarveld, Bộ môn Khoa học Động vật & Gia cầm và Chris Wojnarowicz, MVSc, DVM, Khoa Dịch vụ Chuẩn đoán, Bộ môn Bệnh học Thú y, trường đại học Saskatchewan, Saskatoon, SK S7N 5A8, Canada và Cindy Pentelichuk,Quản lý QA, Trại ấp Lilydale Wynyard, công ty Sofina Foods, 605 Greer St, Wynyard, SK S0A 4T0, Canada

.

Dị tật trên gà con mới nở

Các bất thường trên cấu tạo cơ thể và các phôi quái thai được mô tả ởPhần 1thường được xếp vào các dị tật có thể làm chết gà ngay từ giai đoạn phôi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi lại phát hiện được rất nhiều trường hợp dị tật khác nhau trên gà con mới nở, hoặc tìm thấy trong các giai đoạn phát triển khác nhau của gà thương phẩm.

Dị tật thường gặp nhất trên các gà con mới nở là các bất thường trên chân (gà có nhiều chân), dị dạng trên mỏ và mất mắt. Ví dụ một trường hợp gà con có cặp mỏ chéo nhau và mất đôi mắt, dù nó được nở ra thành công trong trại ấp (Hình 5).

Hình 5 Dị tật kết hợp trên mỏ (chéo mỏ) và mắt (mất đôi mắt) trên gà thịt 3 ngày tuổi

Gà con này được tìm thấy trong đàn gà thịt thương phẩm khỏe mạnh vào ngày thứ 3 sau khi trộn đàn. Thân thể nó nhỏ hơn so với các bạn bè cùng đàn và kêu khá to. Rõ ràng là vì các dị dạng trên cơ thể làm cho nó không thể ăn cũng như không thể uống được, vì thế, có thể hiểu được tại sao nó lại xuất hiện tình trạng cơ thể không được tốt.

Mặc dù một số khiếm khuyết bẩm sinh không làm chết phôi, nhưng gà con mang theo những dị tật này cũng không có cơ may sống sót cao trong giai đoạn đầu đời và nó nên bị loại thải khi được phát hiện. Nếu không, chúng vẫn sẽ đối mặt với tình trạng chết đói và chết khát sau này.

Trong trường hợp kể trên, gà con không có mắt để nhìn thấy thức ăn là yếu tố đầu tiên làm giảm đi nguy cơ sống sót của nó xuống mức 0. Nói cách khác, nếu gà con có mỏ dị dạng không đáng kể nhưng với đôi mắt đầy đủ thì có lẽ hoạt động lấy thức ăn của nó vẫn tương đối bình thường trong điều kiện chăn nuôi hiện nay như gà trong Hình 6.

Hình 6 Dị tật trên mỏ gà thịt năm tuần tuổi

Gà bất thường trongHình 6được tìm thấy trong đàn gà thịt thương phẩm sắp đến thời điểm xuất chuồng. Chúng ta có thể thấy cơ thể nó dường như nhỏ hơn khi so với các con khác cùng đàn, nhưng ngược lại, sức khỏe của nó vẫn rất tốt. Rõ ràng là bất thường trên mỏ đã làm cho khả năng ăn uống của nó giảm đi, và điều này giải thích cho sự tăng trưởng chậm hơn so với các con bình thường khác của trại này.

^ Đầu trang

.

Những thay đổi mạnh mẽ

Biểu hiện bất thường trên cấu tạo cơ thể trong giai đoạn phát triển của phôi là một phần vô cùng bình thường trong quần thể động vật cũng như của con người. Vì thế, nên cân nhắc xem tỉ lệ dị tật nằm trong mức bao nhiêu vẫn được xem là chấp nhận được?

Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, không có gì đáng ngạc nhiên khi phát hiện được các gà thịt có dị tật ở một vài thời điểm chăn nuôi khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, chính là: đang có một sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng dịch tể học, cả về tần số xuất hiện cũng như sự hiện diện các dị tật. Chỉ trong vài năm trước, một số dị tật tương đối hiếm xảy ra, thì nay, các gà con trong đàn gà thịt lại thường biểu hiện các dị tật như: thêm các chi (cánh và chân), thiếu mắt, mỏ bị khiếm khuyết,… Một trường hợp điển hình chính là gà con trong Hình 7.

Hình 7 Bất thường liên quan đến sự dị dạng trên chân và tăng thêm một số chân của gà con hướng thịt thương phẩm

Nếu bất thường trên chân ảnh hưởng đến sự đi lại của gà con, thì dị tật này có thể làm cho gà con chỉ sống được vài ngày trong đàn, vì nó không thể đi đến máng ăn và máng uống và do đó, có thể dẫn đến chết vì thiếu dinh dưỡng. Tuy nhiên, vẫn có vài trường hợp gà con có thêm chân nhưng có thể sống mà không gặp bất cứ bất lợi rõ ràng nào cho đến tận khi xuất chuồng, khi đó, dị tật trên chân này sẽ chỉ mang đến một số vấn đề kỹ thuật trên đường dây giết mổ.

Từ quan điểm dịch tể học, các phát hiện trên được tìm thấy bởi những chuyên viên lành nghề trong các trại ấp, nên đây hoàn toàn là những bằng chứng vững chắc tin rằng các dị tật trên cơ thể đang ngày càng ăn sâu vào kiểu hình gà thịt hiện đại. Ngoài ra, rất khó để phát hiện được các gà có dị tật giữa hàng ngàn con bình thường khác trong đàn, dù cho người đó đã được đào tạo bài bản, vì thế, những phát hiện các bất thường trên cấu tạo cơ thể này vẫn nên được chú ý vì đây chỉ luôn là ‘bề nổi của tảng băng trôi’.

Mức dị tật bẩm sinh trên gà thịt đã đạt tới mức đáng báo động, nhưng dựa trên những quan sát lâu dài của chúng tôi, rõ ràng là tỉ lệ bất thường trên cấu tạo cơ thể đang tiếp tục gia tăng và xu hướng này đặc biệt đáng lo ngại.

^ Đầu trang

.

Xu hướng dịch tể học

Một nghiên cắt ngang được thực hiện trong năm 2012 và 2013 của chúng tôi cho thấy: hơn 30 - 50% phôi gà thịt không nở được là do các bất thường trên cấu tạo cơ thể. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với các nghiên cứu dịch tể được thực hiện giữa các năm 1930 và 1950, khi đó tỉ lệ bất thường phát hiện được trong trứng có phôi chết chỉ nằm ở mức 3 - 9%. Điều này chứng tỏ, chỉ sau hơn 60 năm chọn lọc gien tập trung để gà thịt tăng trưởng nhanh thì tỉ lệ các dị tật bẩm sinh đã tăng lên gấp 5 - 10 lần.

Tuy nhiên, xu hướng các dị tật bất thường trên gà thịt chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây. Vì theo dữ liệu thu thập của chúng tôi, từ năm 2003 đến năm 2006 cho thấy: chỉ khoảng 15 - 30% phôi có dấu hiệu bất thường (chỉ bằng một nửa so với tỉ lệ này trong năm 2012 và 2013).

Ngoài tần suất dị tật gia tăng, các trường hợp này thường đặc biệt thu hút sự chú ý do biểu hiện và sự kỳ quái của nó. Hai loại dị tật được chú ý nhất, chính là: nứt đốt sống và các vòng ruột bị quấn dính nhau. Trước đây, hai loại này rất hiếm gặp nhưng gần đây lại quan sát thấy rất nhiều, đặc biệt trong nghiên cứu của chúng tôi. Hơn nữa, các bất thường liên quan đến não và tủy sống lại nổi trội hơn, chiếm gần xấp xỉ 40-50% trong tổng số dị tật bẩm sinh ghi nhận.

Trong số này, nứt đốt sống là đáng quan tâm nhất, không chỉ vì tính kỳ lạ của nó mà còn vì xu hướng dịch tể học. Theo ghi nhận, loại dị tật này được phát hiện đầu tiên vào năm 2003, hiện tượng nứt đốt sống trong đàn gà thịt thương phẩm chỉ nhìn thấy vài trường hợp và khá hiếm xảy ra. Trong năm 2006, trong các phôi gà thịt, tỉ lệ này đã tăng lên 0.5 - 1%, và đến năm 2012 và 2013, nứt đốt sống đã đột biến tăng lên 3 - 6%. Vì thế, chỉ trong vòng 10 năm quan sát gần đây, có vẻ như tỉ lệ bất thường trên cấu tạo cơ thể trong phôi gà thịt đã tăng lên chạm đến mức báo động.

Xu hướng gia tăng tỉ lệ nứt đốt sống trong phôi gà thịt ngày nay dường như là một dấu hiệu cho thấy một vấn đề nghiêm trọng và rộng lớn hơn, và do đó, xu hướng phát triển leo thang của các dị tật bẩm sinh này nên được chứng thực nghiên cứu chi tiết hơn nữa.

Tỉ lệ phôi bất thường trong đàn gà thịt khá cao hiện nay, cũng là một dấu hiệu chỉ ra mức độ nhạy cảm của giống gà thịt đối với các yếu tố quái thai đã tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy tỉ lệ bất thường trên cấu tạo cơ thể được tìm thấy trong một số đàn có xu hướng tương quan với sự gia tăng tần số xuất hiện của một vài dấu hiệu thông thường khác như: viêm ruột, viêm mô tế bào, cổ trướng, tím tái, và các vấn đề trên chân của gà thịt trong đàn. Điều này cho thấy các yếu tố giúp gà tăng trưởng nhanh hơn và các bất thường về tình trạng sức khỏe trong đàn gà thịt dường như là tương đồng với nhau.

^ Đầu trang

.

Nguyên nhân giả định và các yếu tố liên quan

Một số quái thai trong nghiên cứu của chúng tôi rõ ràng chỉ xuất hiện từ các nguyên nhân di truyền, nhưng cũng có không ít trường hợp xuất hiện là do một vài yếu tố khác như: liên quan đến dinh dưỡng, môi trường, thức ăn và nước uống bị nhiễm và không khí ô nhiễm.

Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi tập trung vào quan điểm cho rằng: gà thịt khỏe mạnh chỉ xuất hiện các bất thường trên cấu tạo cơ thể là do tác nhân gây bệnh. Nhưng qua thời gian, chúng tôi thấy rằng: tình trạng trao đổi chất của gà mái cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của phôi, cũng như đến sức khỏe và năng suất của đàn gà con.

Sự chọn lọc tập trung các giống gà có sự tăng trưởng nhanh đã đẫn đến thu hẹp sự đa dạng di truyền, từ đó, các quái thai điển hình có thể làm chết gà do sự giao phối cận huyết, và có vẻ như một số bất thường đã bắt rễ sâu trong các gien di truyền của gà thịt.

Vai trò của những yếu tố ảnh hưởng di truyền rất có thể được gia tăng lên rất nhiều lần sau tác động của các yếu tố môi trường và dinh dưỡng. Vì vậy, nhiều dị tật xuất hiện trong nghiên cứu của chúng tôi cũng có liên quan đến các yếu tố dinh dưỡng và môi trường nuôi.

Thực tế, tất cả quái thai được quan sát thấy trong nghiên cứu của chúng tôi có thể được tạo ra trong điều kiện thí nghiệm khi trong giai đoạn phát triển phôi cho thêm một số khí, với nhiệt độ ấp bất thường, cùng giảm bớt hay gia tăng nồng độ O2, cho thêm rất nhiều CO2, thực hiện xông tẩy khử trùng quá mức, thêm thuốc, các yếu tố hóa học (chất gây ô nhiễm như PBC, dioxin,…) và điều chỉnh các yếu tố dinh dưỡng (thiếu hoặc dư thừa của một số vitamin, acid amin, khoáng chất,…).

Các bất thường trên não và cột sống điển hình trong nghiên cứu này cũng như một số dị tật trên phần mặt của gà có liên quan đến yếu tố dinh dưỡng, như thiếu hụt vitamin A, E, B12, B6 và acid folic.

Mặt khác, các dị tật khác có thể liên quan đến sự bổ sung quá nhiều một số chất dinh dưỡng thông thường. Ví dụ như, chế độ ăn uống của gà mẹ có quá nhiều vitamin A, D và E, hoặc selenium có thể gây ra dị tật trên cấu tạo cơ thể của phôi. Đặc biệt, vitamin A và selenium có thể gây ra các phát triển bất thường (quái thai) trên gà rất cao.

Kết hợp cùng nhau, giữa sự thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng cùng chất độc hại, có thể gây ra các dị tật nổi bật như trong nghiên cứu của chúng tôi. Trong điều kiện chăn nuôi, sự bổ sung quá nhiều một số chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn uống của gà giống có thể là một yếu tố nguy cơ dẫn đến sự dị tật.

^ Đầu trang

.

Môi trường ô nhiễm

Nguy cơ cao của dị tật trên cấu tạo cơ thể cũng liên quan đến sự tiếp xúc giữa gà mẹ và môi trường ô nhiễm trong trại nuôi như nước uống bị nhiễm Cl khi khử nước,... Các yếu tố này nếu kéo dài sẽ bám chặt vào môi trường. Đặc biệt, sự nhiễm các chất độc như PCB, dioxin, kim loại nặng, hydrocarbon, chất trừ sâu và một số chất khác làm ô nhiễm không khí, nguồn nước và thức ăn,… đang ngày càng tăng trong xã hội hiện đại ngày nay.

^ Đầu trang

.

Kết luận

Vì thế, rất có thể các quái thai được ghi nhận trong nghiên cứu của chúng tôi có thể xuất hiện là do yếu tố môi trường và dinh dưỡng. Sự chọn lọc gien để tập trung vào tăng trọng nhanh có thể cũng làm gia tăng sự nhạy cảm của gà đối với yếu tố môi trường và dinh dưỡng.

Tuy nhiên, các nguyên nhân gây ra bất thường và làm sụt giảm sức khỏe trong nghiên cứu chúng tôi có thể rất khó để sửa chữa lại, vì chúng khá phức tạp và có sự kết hợp của nhiều yếu tố, cũng như, chúng ta không thể đổ lỗi các đột biến này chỉ do một gien nào đó quyết định, mà thay vào đó, các bất thường xuất hiện do sự kết hợp của nhiều gien, có cả tác động từ môi trường, cách quản lý và yếu tố dinh dưỡng.

Tỉ lệ cao và xu hướng gia tăng ngày càng nhiều các phôi gà thịt bất thường là dấu hiệu cảnh báo trước đang có vấn đề xảy ra trong nền chăn nuôi gà thịt. Ngoài ra, các xu hướng gia tăng tỉ lệ phôi bất thường cũng đang ngày càng được ghi nhận trong những năm gần đây ở các động vật hoang dã và ngay trên con người.

Vì thế, tác nhân môi trường rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng xuất hiện các dị tật trên cấu tạo cơ thể trong quần thể động vật nuôi, động vật hoang dã và con người.

Tỉ lệ dị tật cao của phôi gà thịt nên được xem như ‘chim hoàng yến trong mỏ than’ và phát hiện các trường hợp này như một lời cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm trước các thay đổi hiện nay của thế giới.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi mong rằng đã cung cấp được thông tin thiết thực cho mọi người và sẽ tạo được sự chú ý đúng mực đến vấn đề này nhằm ngăn chặn được sự gia tăng đang ngày càng cao của các dị tật trên cấu tạo cơ thể gà.

^ Đầu trang

 

Bài báo này được đăng trên tạp chí “International Hatchery Practice”, Tập 28 Số 2 (2013). ©Copyright 2013, All Rights Reserved.

 

 << Trở về trang Các thông tin khác

≪Trở về xem Phần 1 - Các xu hướng phát triển dị tật trong giống gà thịt hiện nay

Đầu trang